Doanh nghiệp tăng chế độ đãi ngộ để thu hút lao động

Untitled-25

 

Thị trường lao động khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, trong quý I/2022, số lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm của người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh

Mở rộng sản xuất kinh doanh, ông Đào Tiến Thành – Quản lý Công ty TNHH TH Clean (Long Biên, Hà Nội) – cho biết, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở nhiều vị trí như kế toán, trưởng phòng kinh doanh, chở hàng, lái xe… Tuỳ thuộc công việc, lương tối thiểu 7 triệu đồng/tháng, quản lý từ 10-20 triệu đồng/tháng. 

“Ngoài đăng tải thông tin tuyển lao động qua các kênh đặc thù, chúng tôi còn đẩy mạnh tìm kiếm lao động qua mạng xã hội Facebook. Thông qua rà soát hồ sơ, tôi vẫn chưa hài lòng. Mới đây tôi tuyển được lao động có trình độ về kế toán, nhưng sau 1 tháng làm việc mới ngã ngửa khi họ không hề biết gì về lĩnh vực này” – ông Thành nói.

Để thu hút thêm ứng viên, công ty còn đưa ra chế độ đãi ngộ như bố trí chỗ ăn, ở và có phụ cấp ăn trưa. Song, ông Thành cho hay, để kết nối lao động đáp ứng yêu cầu công ty không hề dễ dàng.

Chị Nguyễn Bích – Phòng nhân sự Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam (Thường Tín, Hà Nội) – cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Nhà tuyển dụng không đưa ra những yêu cầu khắt khe và người lao động có thể được đào tạo nghề sau khi ứng tuyển. Làm việc tại công ty sẽ có mức lương cơ bản gần 6 triệu đồng/tháng, cùng với đó là các khoản phụ cấp, làm thêm giờ nên thu nhập có thể dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH), nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Trong khi đó, nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, riêng quý I số lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải pháp phát triển thị trường lao động

Sở LĐ-TB &XH Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 96.931/160.000 lao động. Trong đó, có 29.444 lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố với số tiền là 1.382 tỉ đồng; đưa 628 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết việc làm cho 6.646 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và qua báo cáo kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn là 60.213 lao động.

Ước chừng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn Hà Nội giải quyết việc làm cho 117.931 lao động, đạt 73,7% kế hoạch năm, tăng 20.066 lao động, tương đương tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong những tháng cuối năm 2022, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh nhằm hỗ trợ thông tin về thị trường cho người lao động và doanh nghiệp…

Đồng thời, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đặc biệt, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; tiếp tục xét duyệt cho vay vốn; thu thập thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động song song với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sở LĐ – TB & XH Hà Nội đề xuất bổ sung nguồn vốn từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn đối với các hộ sản xuất kinh doanh, người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”.

 

Nguồn: laodong.vn