Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Giải pháp nào mang tính đột phá ?

Untitled-34

 

Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP.HCM vào sáng ngày 28/7.

Tại hội thảo, nhiều lãnh đạo, chuyên gia cấp cao đều cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là những những yếu tố đột phá để Việt Nam thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong giai đoạn tới.

Tận dụng tốt hơn nhu cầu nội địa, dựa trên nền tảng khoa học

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất những giải pháp như: Cần xác định được chủ thể thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt; tổ chức hoàn thiện bộ máy trong quá trình vận hành phát triển kinh tế. Ngoài ra, hệ thống chính sách đang bị đứt đoạn, cần có cải tổ, phân cấp phân quyền và có sự liên thông; cần đầu tư vào những ngành nghề mũi nhọn, xem xét dựa trên các tiêu chí, nguyên tắc trên thị trường nội địa và trên thế giới, thu hút nguồn đầu tư và tăng cường đối thoại, trao đổi.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng còn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng mà một số nền kinh tế Đông Á đạt được trong thời gian thực hiện công nghiệp hóa. Nước ta vẫn có sự chênh lệch thu nhập, mức sống… giữa các vùng, miền. Cùng với đó, quá trình công nghiệp hóa (CNH) vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, các ngành sử dụng nhiều vốn và lao động không có kỹ năng. Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp so với khu vực. Phần lớn sản xuất công nghiệp là hoạt động gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu, có nhiều tác động, hệ luỵ về môi trường. Các cơ chế, chính sách hiện cũng chưa tạo ra những động lực và ràng buộc…

Do đó, với tầm nhìn chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá (HĐH) của Việt Nam đến năm 2045, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, tận dụng cơ hội để tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư có chất lượng. Ngoài ra, Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội phát triển các dịch vụ tích hợp và các dịch vụ khác có liên quan, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện… Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nhu cầu nội địa đang tăng nhanh. Đặc biệt, Việt Nam cần khắc phục những thách thức và hạn chế trong quản lý đô thị, nhất là sự quá tải của các đô thị lớn, giao thông, ô nhiễm môi trường…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, ngay từ những năm đầu đổi mới, TP.HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và mạng lưới hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại. Chính sự chuẩn bị này đã đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh:PV

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét, trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển đô thị, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này đặt ra các vấn đề liên quan năng lực cạnh tranh của Thành phố với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới.

Đổi mới tư duy tiếp cận

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhận định CNH-HĐH vừa mang tính tổng thể, vừa gắn với quy hoạch phát triển vùng. Tổng thể là con người, là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên mỗi vùng, mỗi địa phương sẽ có chiến lược, lộ trình và giải pháp cụ thể để phát huy hết nguồn lực của mình. Trong đó, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM nhấn mạnh giáo dục, KH&CN là nền tảng của quá trình trẻ hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người; mang lại hy vọng cho hàng triệu gia đình về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giáo dục, KHCN phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất nếu một quốc gia muốn thịnh vượng.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương – nêu lên một số vấn đề cần thiết, quan trọng đặt ra trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, nhất là về cách thức Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, tham gia và tận dụng tốt nhất những cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh nhưng bền vững, nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước. Trong tiến trình đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu; nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược.

Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực; đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao. Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.

 

Nguồn: laodong.vn