Ngành công nghiệp hỗ trợ bước vào giai đoạn phục hồi sau thời gian ngưng trệ do dịch Covid-19. Tuy nhiên, giống như nhiều ngành khác, việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao hiện là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp.
Thiếu lao động chất lượng cao
Dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, trong 5 năm tới sẽ có khoảng 1/3 công việc sẽ thay đổi theo yêu cầu thực tiễn.Trong đó, chỉ 40% lao động, khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
Khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gần đây cũng cho kết quả rằng, dự kiến trong năm 2022 tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào quý II khi các doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất, lúc đó nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
Theo ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin: Hiện nay, chỉ có khoảng 24,5% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 có khoảng 30 – 35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ, đến năm 2030 đạt 40 – 45%. Đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn và đưa ra giải pháp là đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng công nghệ mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Phải nâng cao hơn nữa tỉ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao ý thức, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên mới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đoàn thể mà quan trọng nhất là giữa nhà trường và doanh nghiệp” – ông Tào Bằng Huy (Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khuyến cáo.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Nhiều chuyên gia về thị trường lao động cũng đưa ra nhận xét tương tự khi cho rằng, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam Cty VietnamWorks), nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng tại Việt Nam cho biết, nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng tập trung vào một số khu vực trung tâm. Do đó, những khu công nghiệp, đặc biệt là những khu công nghiệp mới sẽ bị thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Nguyên nhân thiếu hụt lao động phổ thông chất lượng cao là do sự phân bổ đào tạo theo ngành mất cân bằng, có những ngành thừa và những ngành còn thiếu.
Ngoài ra, theo bà Vân Anh, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực chất lượng, một số nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo, quen với môi trường và phong cách làm việc của các công ty đa quốc gia cũng sẽ khó thực hiện được và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước.
“Chúng tôi thấy rõ sự khác biệt về nhận thức giữa các doanh nghiệp dẫn đến không chỉ doanh nghiệp không dám đăng ký để được thụ hưởng hỗ trợ của Nhà nước mà vô hình trung còn gây thiệt thòi cho người lao động.
Vì vậy, cần tháo gỡ nút thắt gắn kết giữa doanh nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ở địa phương, các cơ sở đào tạo cũng cần hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu sản xuất tại các doanh nghiệp” – ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ) đề xuất.
Mặt khác, thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề để thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo như dự báo nhu cầu, tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, giảng dạy, thực hành, thực tập, đánh giá tốt nghiệp, tuyển dụng sau khi ra trường…
Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích các Trường triển khai mô hình quản lý theo hướng tự chủ, hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo.
Nguồn: laodong.vn