Đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, trong dự thảo này nêu rõ các quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong Khu công nghiệp (mục 3, chương VI chính sách về nhà ở xã hội). Trong đó quy định rất cụ thể về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng quy định điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân; quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân; loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân…

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, đây là một chính sách về nhà ở rất mới, ưu việt dành riêng cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chính sách này được quy định thành luật nên bắt buộc các tỉnh, doanh nghiệp, các khu và cụm công nghiệp phải thực hiện và người lao động tất yếu phải được thụ hưởng. Với quy định này, người lao động hoàn toàn có thể hy vọng về một nơi ở khang trang ở khu công nghiệp trong tương lai.
Luật sư Ngô Văn Định cho biết: “Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đưa vấn đề phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp vào nhằm thể hiện đầy đủ quyền có chỗ ở của cá nhân là công nhân đang tham gia lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quyền lựa chọn như: nhà trọ, nhà ở xã hội hoặc nhà lưu trú. Để được thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân, theo dự thảo, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải hội đủ điều kiện sau: có nhu cầu về chỗ ở, phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp”.
Điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân
Điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân được nêu rõ trong dự thảo: Trường hợp là cá nhân có nhu cầu thuê nhà ở phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
Trong trường hợp là doanh nghiệp, phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng thuộc quy định tại khoản 1 Điều 103 của Luật này.

Trường hợp không thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân mà thụ hưởng chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp thì phải đảm bảo các quy định về điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp quy định Điều 90 của Luật này.
Hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân
Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Theo dự thảo, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với UBND cấp Tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để triển khai nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp.
UBND cấp tỉnh phải quy hoạch, dành quỹ đất diện tích của các khu công nghiệp trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xây dựng nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Chi tiết quy mô diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được chính phủ quy định.
Nguồn: baochinhphu.vn