Sẵn sàng quỹ đất khu công nghiệp để đón FDI

Untitled design (16)

 

Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang sở hữu vị thế thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo Industrial Insider được công bố vào tháng 9 cho thấy, hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Giá thuê đất trong KCN tại Hà Nội đã đạt mức gần 140 USD/m2, cao nhất tại miền Bắc. Tương tự, mức giá thuê sàn KCN tại TP Hồ Chí Minh cũng đã vượt ngưỡng 200 USD/m2 và đứng đầu trong khu vực miền Nam. Thời điểm này, các tỉnh lân cận của 2 thành phố trên vẫn có những dự án KCN còn trống với mức giá thuê rẻ hơn, đây sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khi dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào.

Dòng vốn đầu tư FDI và vốn đầu tư trong nước vào các KCN các tỉnh phía Bắc và Nam

Tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, dòng vốn đầu tư FDI và vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp đã có sự dịch chuyển mạnh. Để chuẩn bị hạ tầng thu hút nhà đầu tư, TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án thành lập 2 – 5 KCN trong giai đoạn 2021-2025 tại Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phú Nghĩa và Phụng Hiệp. 

Hiện nay Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh cũng được coi là trạm trung chuyển của ngành công nghiệp miền Bắc. Năm ngoái, địa phương này nhận được nguồn vốn FDI lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, với 7 dự án được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, công ty Jinko Solar (Hồng Kông – Trung Quốc) đã rót gần 900 triệu USD. Đây là khoản vốn FDI cao nhất mà tỉnh Quảng Ninh nhận được từ trước đến nay. Nhà đầu tư sẽ xây dựng hai nhà máy cùng nằm trong một chuỗi dây chuyền sản xuất các tế bào quang điện. Nhờ vào những ưu thế vượt trội của địa phương và chính sách ưu đãi thuế, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh  đã thu hút khoản đầu tư quy mô lớn của công ty Deep C. Đây là một nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN hàng đầu đến từ Bỉ, cung cấp cho các nhà đầu tư FDI nhiều lựa chọn như đất công nghiệp, nhà xưởng, nhà kho xây sẵn hoặc xây theo yêu cầu.

Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng II

Nếu trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu về tổng diện tích sàn KCN thì hiện tại, TP Hải Phòng đã vươn lên vị trí thứ nhất, nhờ dự án Deep C Hải Phòng III mới ra mắt. Tuy vậy, Bắc Ninh vẫn sở hữu nhiều nhất dự án nhà xưởng xây sẵn. Khi đất trống trong các KCN tại TP Hà Nội không còn, các nhà đầu tư đã có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Hải Dương. 

Đến nay, Deep C đã đầu tư hai KCN tại Quảng Yên, gồm KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong với tổng diện tích lên đến 1.680ha. Đi cùng với nhà đầu tư này, Công ty Phát triển công nghiệp BW cũng đã chính thức công bố dự án mới tại KCN Bắc Tiền Phong, nằm trong KCN Deep C tại Quảng Yên. Theo đó, Công ty BW sẽ xây dựng khu nhà xưởng xây sẵn với tổng quy mô lên đến 74.000m2 để sẵn sàng đón nhà đầu tư.

Theo Ông Lê Huy Đông – chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp phân tích, với lợi thế về mạng lưới giao thông, Quảng Yên đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng tại miền Bắc. Hiện Quảng Yên đang sở hữu dịch vụ hậu cần cảng biển đa dạng và toàn diện. Trong đó, khu vực Đầm Nhà Mạc sẽ được quy hoạch trở thành khu dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp và đô thị với diện tích gần 7.000ha để phát triển dịch vụ vận tải, xếp dỡ hàng hoá, dịch vụ phân phối và các dịch vụ logistics giá trị gia tăng.

Chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh còn ưu tiên phát triển khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics tại Quảng Yên với quy mô 3.000 – 5.000ha, từng bước hoàn thiện các tiện ích sẵn có và nâng tầm lợi thế cạnh tranh của một khu kinh tế.

“Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo hay hậu cần, việc tìm kiếm địa điểm gần cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc để đặt nhà máy, kho xưởng luôn là vấn đề ưu tiên. Việc này sẽ đáp ứng khả năng tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế cũng như hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tiết kiệm được chi phí vận chuyển”, ông Đông nhận định.

Phía Nam, Bình Dương vẫn là tỉnh có diện tích đất KCN lớn nhất với hơn 7.000ha và đã được lấp đầy gần hết. Để đón dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An cũng đã có những dự án KCN mới được đưa vào khai thác. Các tỉnh, thành còn lại như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đều đang trong tình trạng khan hiếm sàn KCN. Về các dự án nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, tỉnh Bình Dương cũng đang dẫn đầu về tổng diện tích với mức giá thuê chỉ bằng một nửa so với các dự án tại TP Hồ Chí Minh.

Cơ hội và thách thức cho các Doanh nghiệp 

Tình trạng khan hiếm diện tích sàn KCN tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước vừa là thách thức vừa là cơ hội: “Tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối cùng giá cho thuê tăng cao đã phản ánh mức độ và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam. Thực trạng trên đã mở ra cánh cửa để các nhà phát triển hạ tầng KCN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như Tập đoàn LEGO đến từ Đan Mạch hay Tập đoàn YSL của Hàn Quốc đang góp phần nâng tầm chất lượng và tiêu chuẩn của các KCN tại Việt Nam”, Ông Matthew Powell nhìn nhận.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, Chính phủ đã phê duyệt 9 KCN sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2023 – 2025 với tổng diện tích 2.472ha và tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng. Đây là cơ hội để các địa phương để tiếp tục chuẩn bị quỹ đất sạch nhằm mời gọi “đại bàng” FDI về dọn ổ và làm tổ.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top 3 quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI cao nhất. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đạt hơn 2,06 tỷ USD. Trong tháng 2 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án thêm 920 triệu USD cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Với lần điều chỉnh này, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro – Mechanics tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD. Lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những ngành hạ tầng công nghiệp được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc.

Dòng vốn đầu tư FDI cũng đã có sự phân hóa rõ rệt. Nếu như từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo từ Hàn Quốc luôn đạt tỷ lệ trên 70%, thì tỷ trọng đầu tư vào BĐS từ dòng vốn FDI của Hàn Quốc cũng đã tăng lên gấp đôi từ cách đây 4 năm. Theo ông Andrew Lee,  tới đây sẽ còn nhiều dự án BĐS tại Việt Nam được rót vốn từ nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”. Tập đoàn YSL cũng đang triển khai dự án hạ tầng KCN có diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư.

Ông Andrew Lee cũng cho hay, lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong số những hạ tầng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh và kho xưởng thông minh.

“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Những địa phương sở hữu lợi thế về vị trí địa lý gần biên giới, cảng biển cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư. Cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn đẩy mạnh dòng vốn vào BĐS trong thời gian tới”, ông Andrew Lee nhận định.

Nguồn: cand.com.vn