Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật

avt 27.09

 

Ngày 30/8, báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia đã tập trung bàn luận để làm rõ những vấn đề, như: các rào cản khi người khuyết tật đi tìm việc làm, những hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật. Các giải pháp tăng quyền làm việc, có thêm nhiều người lao động khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo chế độ an sinh xã hội…

Toàn cảnh tọa đàm

Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm 

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc: Chính sách chăm lo, trợ giúp cho người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của người khuyết tật được nâng cao.

Ông Nguyễn Xuân Khánh – Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, phát biểu tại buổi tọa đàm

Hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động là người khuyết tật (năm 2021).

Trong số 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% nằm trong lực lượng lao động. Trên địa bàn TP Hà Nội có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình.

Trên thực tế, lao động là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì. Không chỉ vậy, vấn đề người khuyết tật đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi. Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp cận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội.

“Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội. Vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Cụ thể là vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.” – Phó Tổng biên tập Nguyễn Xuân Khánh, thông tin.

Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhưng nhiều công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận được. 

Rào cản đối với người khuyết tật là thiếu thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Ngoài ra, rào cản từ nhận thức của người khuyết tật và gia đình họ; điều kiện tiếp cận nơi làm việc và tiếp cận các công trình đô thị hay phương tiện giao thông công cộng với người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật xe lăn và khiếm thị còn nhiều khó khăn bất cập. Chưa kể, thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…”.

Kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật

Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng cho thấy, toàn thành phố trên 109.000 người khuyết tật, trong đó có trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng người khuyết tật còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình. 

Ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Song theo khảo sát nhanh của Hội người khuyết tật Hà Nội cho thấy, người khuyết tật hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp lớn có hợp đồng, liên kết với tổ chức Hội người khuyết tật Hà Nội bảo vệ quyền lợi thì 100% các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm lo chế độ đầy đủ. Còn những thanh niên khuyết tật làm việc tự do hay làm tại các công ty nhỏ, không có sự kết nối từ Hội thì quyền lợi khó được đảm bảo. “Đây là vấn đề cần sự chung tay của không chỉ tổ chức Hội người khuyết tật Hà Nội mà cả các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong việc hiểu đúng và thực hiện tốt các văn bản Nhà nước hiện hành” – Phó Trưởng Ban Thanh niên (Hội người khuyết tật Hà Nội) Nguyễn Xuân Khánh, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ảnh minh họa: Người khuyết tật làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh.

Chia sẻ về giải pháp, Phó trưởng Ban Thanh niên, Hội Người khuyết tật Hà Nội Nguyễn Xuân Khánh cũng cho rằng, từ tháng 4/2022 Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã đẩy mạnh trở lại các chương trình kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật, trong đó ưu tiên người khuyết tật từ 18-35 tuổi. Thông qua các chương trình ngày Hội việc làm, Hội đã giúp nhiều thanh niên khuyết tật tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.

Theo Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thì, trung tâm phối hợp chặt chẽ với Hội người khuyết tật TP Hà Nội và các quận huyện và các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tin tham gia thị trường lao động như tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; các chương trình tư vấn tập trung về chính sách pháp luật lao động và kỹ năng tìm kiếm việc làm; đào tạo đội ngũ tư vấn viên đồng cảnh đủ khả năng tư vấn và hỗ trợ cho người khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm việc làm; xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tư vấn tâm lý đồng cảnh, kỹ năng sống, tư vấn pháp lý, tư vấn việc làm, tư vấn y tế …) cho người khuyết tật; chương trình tư vấn online cho người khuyết tật về thị trường lao động…

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể tham khảo các khuyến nghị trong buổi tọa đàm để xây dựng chính sách tạo việc làm và bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật một cách phù hợp. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà từ đó góp phần đảm bảo an sinh cho người dân, trong đó có người khuyết tật.

Nguồn: laodongxahoi.net

This dietary approach emphasizes consuming foods that have an alkalizing effect on the body, intending to stabilize its vélemények a tonerinről pH levels and lower level of acidity.