Ngày 18/8, tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo khoa học “Sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Dấu ấn của ngành Xi măng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước
Với vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của đất nước, trong từng cây cầu, công trình giao thông đô thị, những tòa nhà cao ốc, trụ sở, cơ quan của nhà nước, doanh nghiệp, nhà cửa của người dân hôm nay đều có dấu ấn của ngành Xi măng Việt Nam.
Tại hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo mang nhiều ý nghĩa thiết thực để nhìn lại 65 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục phát triển ngành Xi măng trong giai đoạn mới.

65 năm qua, kể từ ngày (30/5/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy Xi măng Hải Phòng, nói chuyện và căn dặn:
“Phải tăng gia sản xuất; Phải thực hành tiết kiệm; Phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; Phải ra sức học tập trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật;Phải đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình”.
Hiện thực hóa lời căn dặn của Bác, trong suốt các chặng đường cách mạng, Ngành Xi măng Việt Nam từng bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Trước thập niên 70 – 80 của thế kỷ XX ở miền Bắc chỉ có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng được xây dựng, vận hành sản xuất. Sau thập niên 70 – 80, các nhà máy xi măng như Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch được xây dựng. Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. Từ nước nhập khẩu xi măng, Việt Nam tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Riêng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) – doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á có công suất 33 triệu tấn. Có thể nói, với vị thế hiện tại, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực.
Ngành Xi măng cùng với các ngành kinh tế động lực, then chốt khác đã thực hiện quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng nhanh nhạy với xu hướng quản trị hiện đại, đa dạng hóa các chủ thể sở hữu cũng như mô hình hoạt động mới; Chuyển đổi mạnh mẽ, đột phá về chất trình độ lực lượng sản xuất từ áp dụng chủ yếu công nghệ, thiết bị cũ sang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thích ứng nhanh với tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); đóng góp lớn đối với việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới một xã hội vì con người, lấy con người làm trung tâm,…
Bước vào thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986 đến nay), Ngành Xi măng Việt Nam đã quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh cao cả của mình có những đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước trong hơn 35 năm qua, GS-TS Nguyễn Xuân Thăng cũng nhấn mạnh.
Cơ hội, thách thức của ngành Xi măng trong thời kỳ đổi mới
Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp Xi măng nước ta còn rất lớn, tiếp tục là ngành công nghiệp quan trọng đáp ứng yêu cầu khởi công xây dựng nhiều dự án công nghiệp lớn, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị và nhà ở… Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cần sự nỗ lực rất lớn để ngành Xi măng vượt qua. Điều quan trọng nhất mà Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, cần có niềm tin mạnh mẽ và khẳng định rằng, ngành Xi măng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là một ngành công nghiệp cơ bản trong hệ thống các ngành công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại Hội thảo, với hơn 40 báo cáo, tham luận cùng các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, vị trí, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại của ngành Xi măng Việt Nam.
Trước những khó khăn thách thức như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu… đòi hỏi ngành xi măng Việt Nam/ Tổng công ty xi măng Việt Nam cần nỗ lực khắc phục khó khăn và phải có giải pháp đồng bộ theo hướng xanh – bền vững.
Theo đó, ngành Xi măng nói chung và VICEM nói riêng cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đặc biệt, nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng. Đồng thời triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường.
Nguồn: dangcongsan.vn